YÊN MÔ THƯỢNG, YÊN MẠC, YÊN MÔ, NINH BÌNH

img
Phả hệ đồ

Giá trị của nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình

Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có nội dung ca từ độc đáo, tiêu biểu của Việt Nam. Trong các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình gắn liền với cố Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu - Bà chính là nghệ nhân cuối cùng còn hành nghề hát Xẩm.

Giá trị của nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình

Một buổi giao lưu của các CLB Xẩm huyện Yên Mô. Ảnh: CTV

Từ khi "nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỉ XX" ra đi, Ninh Bình tưởng như đã thất truyền loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này, nhưng với sự nỗ lực của những người được cụ Hà Thị Cầu truyền dạy, của chính quyền địa phương và nhất là tình yêu nghệ thuật của chính người dân, mảnh đất này đã bước đầu khơi dậy và bảo vệ được giá trị cốt lõi của nghệ thuật hát Xẩm.

Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành bởi một hệ thống bài bản và âm nhạc riêng biệt, đặc trưng. Với các nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, sênh sứa, trống mảnh, đàn hồ, trống cơm, thanh la, người nghệ sĩ/nghệ nhân biểu diễn hát Xẩm tự thêm hoặc bớt các nhạc cụ cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và làn điệu biểu diễn. 

Theo phân tích của GS Đặng Hoành Loan: "...Xẩm xưa nằm trong phường hát rong, hay là nhóm hát rong, nó tổ chức thành phường hội, chứ không đi một mình đâu, thường có 4, 5, 6 người, trong đó có trống, phách, nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn hồ, đàn tam, nhóm hát rong... Nghệ sĩ Xẩm rất tài ba, sử dụng nhạc cụ, vừa đánh đàn bầu, vừa hát...đàn bầu xẩm này mới là nghệ thuật đỉnh cao của xẩm..." Theo người thực hành hát Xẩm ở cộng đồng: "...hát Xẩm là loại hình văn hóa văn nghệ dân gian đặc trưng nhất so với các loại hình nghệ thuật khác...

Bản chất của hát Xẩm là lối hát kể chuyện tự sự, mang tính tự nhiên, hát Xẩm rất tự nhiên, như là kể một câu chuyện, tôi rất mong muốn làm sao để giữ được bản sắc truyền thống trước, sau đó là sự sáng tạo, phát triển sau". Như vậy, Xẩm với tư cách là loại hình nghệ thuật của những người hát rong (được coi là một nghề) đã không còn nhưng nghệ thuật hát Xẩm đã và đang được phục hồi và phát triển trong đời sống cộng đồng tại Ninh Bình.

Những làn điệu gốc của Xẩm với 3 điệu chính Xẩm Huê tình, Xẩm xoan, Xẩm ba bậc, một bài Xẩm gồm có vỉa, trổ mở đầu, trổ thân, các trổ nhắc lại, trổ kết vẫn được các nghệ nhân lưu giữ. Đồng thời họ còn sáng tác thêm các bài hát mới dựa trên những làn điệu cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện tại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi tầng lớp nhân dân. Đây chính là giá trị bất biến của nghệ thuật hát Xẩm.

Nghệ thuật hát Xẩm đã phản ánh một phần hiện thực đời sống xã hội trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong điều kiện xã hội lúc đó, những người hát Xẩm là những người chuyển tải những câu tục ngữ, những câu truyện cổ, truyện nôm hay truyện cổ tích, thần thoại, những chuyện sinh hoạt, những cảnh bất công xã hội...

Những nội dung mà nghệ thuật hát Xẩm đưa tới cho người nghe thường phản ánh các sự kiện đương thời. Thông qua một số bài Xẩm cụ thể, nhân vật và sự kiện lịch sử được thể hiện, đồng thời, trong lời hát còn bày tỏ thái độ của người dân căm ghét quân xâm lược và thương cảm vô hạn đối với đồng bào, tổ quốc.

Giá trị của nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình
MC Danh Tùng, Đài THVN trải nghiệm cùng CLB Xẩm Hà Thị Cầu trong buổi biểu diễn tại chùa Cống, Yên Phong, Yên Mô.

Hát Xẩm không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa mà còn thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc. Với truyền thống tốt đẹp của người Việt "lá lành đùm lá rách", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "môi hở răng lạnh", cảm thông trước hoàn cảnh của những người cùng chung cảnh ngộ khiếm thị, những nghệ sĩ hát Xẩm không chỉ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà họ còn chia sẻ cả thành quả lao động của chính mình với mảnh đời bất hạnh hơn. Việc thành lập các gánh Xẩm là để tụ họp những người cùng chung cảnh ngộ, đem lời ca, tiếng hát của mình đi khắp nơi kiếm sống, cùng nhau vượt lên số phận, sống lạc quan hơn...

Những bài hát Xẩm mang đậm triết lý nhân sinh, tính giáo dục, nhân văn sâu sắc. Nghe và học hát Xẩm để cảm nhận được ý nghĩa của câu từ, làn điệu, thấu hiểu những mảnh đời, số phận, cũng như những kinh nghiệm sống quý báu của cha ông. Đây cũng chính là sự góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, đồng thời mang lại tiếng cười, niềm vui cho người nghe, tạo nên sức sống mạnh mẽ, tạo nên giá trị cố kết cộng đồng.

Trước đây, hát Xẩm có một vai trò to lớn trong việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân lao động, đồng thời đây cũng là một kênh thông tin, truyền thông độc đáo và quan trọng trong đời sống xã hội. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp, Xẩm được dùng như một công cụ nhằm tuyên truyền chính sách. Lời Xẩm địch vận cũng đã ra đời từ đó và đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân và dân ta. Ngày nay, việc tuyên truyền thông tin đã được hỗ trợ bằng nhiều máy móc, công nghệ hiện đại nhưng vai trò của con người vẫn rất quan trọng. Bằng việc ca hát và thưởng thức nghệ thuật dân gian như hát Xẩm sẽ làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.

Nghệ thuật hát Xẩm với những ca từ đặc trưng, với hình thức hát nói dân gian vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong kho tàng âm nhạc dân tộc và trong đời sống cộng đồng xưa và nay. Với ý thức giữ gìn văn hóa âm nhạc truyền thống, nghệ thuật hát Xẩm Ninh Bình được coi là "kho tàng tri thức" mà cộng đồng người dân Ninh Bình đã sáng tạo, thực hành và truyền dạy, phổ biến cho các thế hệ sau.

Theo https://baoninhbinh.org.vn/