YÊN MÔ THƯỢNG, YÊN MẠC, YÊN MÔ, NINH BÌNH

img
Phả hệ đồ

Lời nói đầu

         Gia phả là tinh hoa và cốt cách của dòng họ. Trong một dòng họ nếu không có gia phả thì không thể đảm bảo kỷ cương tôn ti trật tự trên dưới, không biết nhau, quan hệ tình cảm mọi thành viên trong gia tộc mỗi ngày một rạn nứt và phai nhạt dần.

         Có thể nói, Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về ý nghĩa mà mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nói rõ trong từng lời tựa. Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng có thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao, ngặt vì gia phả đã mất; có thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ ở phương xa không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ "Gia phả - Gia bảo". Giọt nước rất quý đối với người sống trên sa mạc, còn đối với người sống ven sông, dễ gì mỗi lần "Uống nước" lại phải "Nhớ nguồn".

         Thời trước họ nào cũng có gia phả, có họ từng nhà còn có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc - của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán, hơn nữa từng chi từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng.

         Về một ý nghĩa khác, gia phả sở dĩ gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, là điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Bất cứ họ nào, bất cứ con người nào trong họ, có tài năng lỗi lạc đến đâu, cá nhân cũng không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ có kế thừa đời trước và truyền dẫn đời sau. Đồng thời phả còn ghi nhận những công lao to lớn và những kết quả của quá trình đấu tranh khắc phục thiên nhiên, và xã hội để duy trì phát triển cuộc sống của mỗi dòng họ. Từ thời Hiển Thuỷ Tổ Khảo cho đến các đời con cháu mãi mãi tiếp theo.

         Trải qua bao năm tháng đổi thay, đất nước biến động lúc hòa bình khi chiến tranh (địch phá sạch, đốt sạch nhà cửa ...), dòng họ Phạm Hữu có lúc tập trung đông đủ, có khi phải phân tán nhiều nơi nhưng tâm nguyện mỗi thành viên trong họ vẫn đau đáu nhớ về cội nguồn tưởng nhớ tổ tiên. Các đời trước những bậc cao niên và có học vấn trong họ cũng đã soạn thảo cuốn Gia phả của dòng họ nhưng do hoàn cảnh chiến tranh bị thất lạc. Đến nay toàn thể gia tộc cùng một quyết tâm phải xây dựng bằng được bộ gia phả mới kế thừa cuốn gia phả cũ.

         Gia phả của dòng họ nay được soạn thảo viết lại kế thừa tinh hoa truyền thống tốt đẹp của dòng họ đã được Ban soạn thảo lấy ý kiến đóng góp của toàn thể gia tộc và đã được Hội đồng gia tộc ghi nhận. Cuốn phả ký này là tài sản vô giá của dòng họ để lại cho muôn đời con cháu gìn giữ và phát huy. Để đảm bảo tính kế thừa liên tục truyền thống tốt đẹp của ông cha; Cuốn gia phả có tính lịch sử này dẫu chưa thật đầy đủ, nhưng là cơ sở để con cháu tìm về cội nguồn, mong mọi thành viên trong gia tộc với tâm huyết của mình tiếp nối các đời sau bổ sung được hoàn chỉnh.

Ninh Bình, Canh Tý (2020)

TM. Hội đồng gia tộc