Phả hệ đồ
Họa sỹ Phạm Tăng: Tôi muốn nghệ sỹ với người xem chỉ là một
Họa sỹ Phạm Tăng
Họa sỹ Phạm Tăng sinh năm 1924 tại Yên Mạc, Yên mô, Ninh Bình. Đây là một vùng quê nổi tiếng hiếu học với những nhà khoa bảng và quan chức lớn thời phong kiến như Hoàng giáp Ninh Địch (đỗ Đệ nhị giáp - Tiến sỹ xuất thân, khoa Mậu Tuất, đời vua Lê Dụ Tông, năm 1718); Thượng thư Ninh Tốn (đỗ Tiến sỹ Hội nguyên, khoa Mậu Tuất, năm 1778, đời vua Lê Hiển Tông); tham biện nội các, Toản tu sử quán, trưởng Hàn lâm viện Vũ Phạm Khải triều Nguyễn... Bản thân ông Phạm Tăng là hậu duệ đời thứ năm của thượng thư, hiệp biện đại học sĩ, cơ mật viện đại thần Phạm Thận Duật (1825–1885).
Năm 1945, Phạm Tăng, tham gia kháng chiến một thời gian, rồi vì một mối tình sét đánh với bà Nguyễn Thị Băng Tâm, đã “dinh tê” vào Sài Gòn. Phạm Tăng đã từng theo học ngành kiến trúc trước khi chuyển sang hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vẽ biếm họa cho nhật báo Tự do từ những năm 1954-1959, tuần báo Văn nghệ Tự do năm 1956. Năm 1959, ở tuổi 34, họa sỹ Phạm Tăng đi du học tại Ý học thêm về hội họa với 2 bàn tay trắng, bắt đầu thời kỳ 15 năm mà anh goị là 15 năm lưu lạc của cô Kiều. Ở trường gốc Ý, ông đã nắm bắt được kỹ năng của nghệ thuật trừu tượng và phương pháp tôi luyện chất liệu. Từ đây, ông như cánh diều, bay bổng trên nền trời nghệ thuật với tất cả hành trang phải có của một nghệ sỹ thực thụ. Ông đã rời nghệ thuật hữu hình mà ông học từ trước, để tiến vào hội họa trừu tượng, vùng đất vô thể, vùng tự do mà anh có thể tung bay ngòi bút, theo tư tưởng, theo cảm xúc của riêng mình. Từ đây, một mình một cõi, ông đã tạo ra thế giới Phạm Tăng và thế giới này là xác thịt và tâm hồn anh. Chính thời gian này (1959-1975) ông sáng tác nhiều nhất, ông đã bôn ba mang tranh đi triển lãm khắp nơi, từ Ý, sang Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, sang cả Brasil, Los Angeles... ông đã đọc được những bài báo của giới chuyên môn khâm phục tài năng anh. Nhưng 15 năm này cũng là quãng đời cô đơn nhất của ông: ông vẽ một mình những bức tranh ngoại khổ, ông chất từng mảng tranh lên xe đem đi triển lãm, một mình, đi ngày đêm trong gió mưa, băng giá của một Âu châu không chú ý đến tài năng của một người da vàng nhược tiểu; và người Việt không rành hội họa, không xem tranh, không tham dự. Người Việt thường chỉ chú ý đến việc ông đoạt giải này giải nọ, họ ca tụng những giải thưởng ông đoạt ở trời Tây như một vinh hạnh, nhưng không thiết tha tìm hiểu nghệ thuật của ông.
Tác phẩm Vũ trụ của Phạm Tăng
Trên hành trình nghệ thuật, mặc dù sống và làm việc chủ yếu tại châu Âu, nhưng Phạm Tăng đã nỗ lực không ngừng để sáng tạo một nét họa độc lập riêng mình, không chịu ảnh hưởng và chi phối bởi các nền hội họa phương Tây hay Trung Quốc. Khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Bách khoa Việt Nam, Họa sỹ Phạm Tăng đã nêu rõ quan niệm của mình về hội họa: “Hội họa Việt Nam phải bộc lộ được bản sắc riêng, góp một tiếng nói với hội họa thế giới, dù là một tiếng nói nhỏ bé, nhưng là tiếng nói của riêng mình, không lai căng Tây hay Tàu. Tôi vô cùng hãnh diện là mình không mất gốc, không va chạm trực tiếp với phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá vỡ được mọi xiềng xích nô lệ do sự phụ thuộc vào lối nhìn nhật sự vật, ảnh hưởng của hội họa phương Tây và Trung Quốc thời kỳ bị đô hộ. Chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở chí hùng cường của Dân tộc, tôi mới tìm được một đường lối giải thoát cho nghệ thuật riêng mình”.
Phạm Tăng đã được bằng tốt nghiệp của hầu hết các khoa ở Viện Mỹ thuật Rome (Accademia de Belle Arti di Roma): Hội họa, Trang trí, Thiết kế, Điêu khắc, Thiết kế sân khấu. Họa sỹ Phạm Tăng đã từng mang lại vẻ vang cho đất nước Việt Nam, khi ông nhận được giải Nhất về hội họa của tổ chức UNESCO trao tặng với bức tranh “vũ trụ” năm 1967, ngay tại đất thánh của hội họa thế giới là La Mã và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Ông tự nhận xét đây là bức tranh vẽ để “lưu hồn”:
Trông lên thân thể bao la
Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng
Xác thân : vạch lối đôi vùng
Khoát tay một nét : cuộn tròn càn khôn
Đất trời , mở rộng tay ôm
Phút giây xuất ngã, bền hơn cuộc đời.
Phạm tăng để lại hai kiệt tác hội hoạ: một bức ông đặt tên là Vũ trụ. Ông vẽ càn khôn với hằng hà tinh thể từ vi mô đến vĩ mô. Ông vẽ ông, bởi ông với vũ trụ là một: “Vũ trụ và tôi một bất phân”. Họa sỹ Phạm Tăng cho biết bức tranh Vũ Trụ của ông, được nhiều người hỏi mua, kể cả một vài bảo tàng. Nhưng ông không bán, dù với giá nào.
Bức tranh thứ hai ông không đặt tên, mỗi người xem, mỗi lần xem, có thể đặt cho nó một tên: sáng, nó là vũ trụ thiên thần; chiều, nó là vũ trụ mây mưa; trong mơ, nó là vũ trụ hằng nga khỏa thân trên cung Quảng... Ông thường gọi nó là Thời gian.
Một đặc trưng của sáng tác Phạm Tăng là tổng hợp những điểm đối lập để đạt tới một tổng thể không thể chia cắt được.
Hội họa phương Tây đi vào ngõ cụt với sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng từ khi xuất hiện xã hội công nghiệp kỹ trị. Phạm Tăng đã giải quyết mâu thuẫn ấy bằng cách hợp nhất mộng và thực, trang trí và hiện thực, cụ thể và trừu tượng, Đông và Tây, con người và thiên nhiên, vi mô và vĩ mô.
Đối với Phạm Tăng, vũ trụ là nhịp điệu, nhịp điệu là phương thức của vận động. Mây trên trời, sóng đại dương, hàng muôn triệu thiên hà, ngày và đêm, bốn mùa trong năm, vân ngón tay, thái dương hệ, tiếng chim ca, tế bào chiếc lá, cấu trúc các tinh thể - từ cái vô cùng bé đến cái vô cùng lớn, tất cả vật chất đều vận động theo nhịp điệu. Bằng một sự khổ luyện mỹ cảm, người nghệ sỹ cố gắng nhập nội tâm của vật chất để tái tạo nhịp điệu của vũ trụ.
Tác phẩm của Phạm Tăng là những tấm gỗ lắp vào nhau, vẽ sơn dầu mà sử dụng cả kỹ thuật vẽ sơn mài (gắn vỏ trứng…). Thoạt nhìn như một bức tranh ghép gợi lên nhiều hình ảnh trừu tượng mà lại tượng hình: muôn đám hoa tươi nhiều màu sắc, hình ảnh nhìn qua kính vạn hoa hay kính hiển vi điện tử, tinh vân chuyển quay - mây trôi hay sóng gợn… tác phẩm toát ra một không khí thanh bình, sự thanh thản của tâm hồn. Xem xa rồi lại xem gần: cầm một kính lúp mà soi vài cen-ti-mét vuông thì óc tưởng tượng của người xem tranh lại phát hiện ra không biết bao nhiêu hình ảnh hay vũ trụ vi mô.
Phạm Tăng nói: “Tôi tìm kiếm sự cảm thông không những với thiên nhiên mà cả với con người. Tôi muốn nghệ sỹ với người xem chỉ là một. Do đó, các bức họa của tôi không có khung, tôi không “đóng” mà muốn “mở” cho mọi người nhập vào tranh, ra vào lúc nào tùy hứng, tùy mình thông cảm mà tạo vũ trụ của mình qua toàn bộ hoặc một chi tiết của tranh”.
Tác phẩm Thời gian của Phạm Tăng
Năm 1968, một nhà phê bình hội họa của uy tín là Michel Lemoine (1922- 2013) với những trang dòng chữ đầy tâm huyết và khẳng định tính khám phá trong từng tác phẩm hội họa của Phạm Tăng: “Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp, bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu; mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt qua trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi tìm kiếm các thế giới khác”.
Năm 1975, là bước ngoặt thứ hai của cuộc đời Phạm Tăng, ông chuyển từ đất Ý sang đất Pháp, tất nhiên vì hoàn cảnh riêng tư, nhưng cũng chính từ hoàn cảnh riêng tư này, lại thoát ra sự lựa chọn cuộc sống của con người: vì phải chịu cảnh bon chen của một họa sỹ, khi phải «bán mình» cầu cạnh thế giới buôn tranh, ông đã quyết định đoạn tuyệt, ngừng. Nhưng không vẽ, không có nghĩa là dứt bỏ nghệ thuật. Anh trở về với thơ. Nói «trở về» bởi vì có lẽ chưa bao giờ anh «dứt» thơ.
Họa sỹ Phạm Tăng, còn là một Nhà thơ rất “hồn Việt”, ông tự bạch:
Lang thang khắp mặt Địa cầu
Thịt xương: áo đã ngả màu hoàng hôn
Lợi danh chẳng quản mất còn
Hành trang : đến cả linh hồn cũng dư.
Trước sau cũng một lối về
Giữ sao cho trọn lời thề với Thơ.
Cảm nhận thơ ông, ngày 13/3/2003, Trường Đại học Paris 7 và Đài Phát thanh Văn hóa Pháp đã tổ chức một đêm thơ châu Á trong khuôn khổ lễ hội “Mùa xuân của các nhà thơ” đã mời 4 nhà thơ của 4 nước châu á tới dự là Douduo (Trung Quốc), Ryoko (Nhật Bản), Không Un (Hàn Quốc) và Phạm Tăng (Việt Nam). Sự kiện trên đã gây dư luận và khơi dậy tính tò mò của những người làm thơ trong nước, trong đó có giới văn nghệ sỹ Ninh Bình quê hương ông, bởi vì người ta chỉ biết đến một họa sỹ Phạm Tăng tài hoa, chứ chưa biết nhiều về một nhà thơ Phạm Tăng ngẫu cảm thi hứng.
Cuối năm 1993, từ Pháp, ông đã gửi bản thảo một tập thơ về nước, nhờ bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh xin giấy phép xuất bản, in ấn hộ và từ đó tập “Thơ Phạm Tăng” đã ra mắt bạn đọc (NXB Văn học - Hà Nội 1994). Năm 1995, tuyển tập “Thơ Ninh Bình” với tác phẩm chọn lọc của nhiều tác giả và gần đây “Tuyển tập thơ Ninh Bình ngàn năm” do Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình in ấn.
Năm 1994, khi trở về thăm đất nước, thăm quê hương Ninh Bình, thăm bạn bè sau gần nửa thế kỷ xa nhớ. Phạm Tăng đã cảm xúc nỗi lòng của mình đối với quê hương đất nước Việt Nam yêu quý, nơi chôn nhau cắt rốn:
Người đi thuở trước, mình đưa tiễn,
Đến lượt mình đi thiếu một người,
Mảnh đất từ đây, ai ấp ủ?
Gương thề mặt đá, bóng trăng soi.
Năm 1994, tại trụ sở của Nhà xuất bản Thế giới, những bạn đồng học thời sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay nhiều người trong số đó đã thành đạt về nghề nghiệp, đã trở thành những danh họa nổi tiếng, đó là Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Phan Tại, Trần Duy, Lê Thanh Đức... các bạn thơ của ông như Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Lê Văn... và giới văn nghệ sỹ quê hương đã giang tay đón Phạm Tăng, như đón một người thân trong gia đình.
Theo http://ape.gov.vn/