Phả hệ đồ
Long Biên Hầu Phạm Tu, danh tướng đất Thăng Long
Mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến không chỉ là đất đô hội sinh ra các bậc danh nho mà còn xuất hiện nhiều danh tướng từ thời thượng cổ. Sau này, trải bao dâu bể, dẫu hậu nhân chúng ta còn phải dày công sức để làm rõ ngọn nguồn từng tấm gương sáng của các bậc danh nhân, thì vẫn còn đó, trí tuệ và công sức của nhân dân, luôn biết cách biểu hiện lòng tôn kính người có công với nước. Đình Quang Liệt -Thanh Trì thờ danh tướng Phạm Tu, vị lão tướng hi sinh thân mình vì nước thời Lý Nam Đế là một di chỉ văn hóa như vậy.
Đô Hồ Đại Vương - Phạm Tu
(476-545)
Đình được nhà phong thủy nổi tiếng Tả Ao chọn thế đất để người dân dựng làm nơi thờ vị lão tướng. Ngôi đình sừng sững tồn tại đến ngày nay, nhiều lần được tu sửa khang trang, uy nghiêm. Các triều đại kế tiếp đều sắc phong cho lão tướng Phạm Tu là Long Biên Hầu, Phạm Đô Hồ Đại vương với những lời lẽ khái quát sâu sắc thân thế, công trạng và đặc biệt là sự hi sinh lẫm liệt của ông. Hàng năm, ngày 20/7 âm lịch, con cháu họ Phạm ở mọi miền Tổ quốc đều về đình Quang Liệt cùng nhau ôn lại thân thế cuộc đời và sự nghiệp của vị lão tướng làm rạng danh vùng đất quê hương. Lão tướng Phạm Tu ở tuổi ngoại bảy mươi hi sinh giữa trận tiền khi chặn đánh giặc Lương là một tấm gương trung liệt. Đây còn là bài học lớn về chống giặc ngoại xâm. Chưa bao giờ phương Bắc để ta yên. Đó là bài học lịch sử mà tổ tông truyền dạy.
Phạm Tu sinh ngày 10/3 năm Bính Thìn (476) tại trang Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Song thân của ngài là Phạm Thiều và Lý Thị Trạch, vốn là những người đức độ có tiếng trong vùng. Từ nhỏ, Phạm Tu đã là một thiếu niên tuấn tú, chăm đọc sách, học giỏi; lớn lên siêng năng luyện võ nghệ, là một đô vật nổi tiếng, thường được gọi là Đô Tu, rồi trở thành một hào kiệt.
Ngày ấy, vùng đất cổ trang Quang Liệt đã sớm là vùng đất trù mật. Dân gian truyền tụng rằng, chính Phạm Tu đã sớm có tầm nhìn và khuyên nhủ dân chúng thực hiện phương châm “Cửu niên tam tích”. Tức là: tích cốc - ngũ cốc phòng cơ; tích y - y phục phòng hàn; tích khí - vũ khí phòng giặc. Ngay từ buổi đó, Phạm Tu không chỉ biết lo cho gia đình mình, dòng tộc mình, mà còn sớm nhìn thấy việc nâng cao đời sống cho người dân, trang bị cho họ kiến thức và cả phương kế lâu dài trong cuộc sống.
Năm 541, được tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, mặc dù lúc này đã bước sang tuổi 66, nhưng Phạm Tu vẫn tích cực hưởng ứng. Ngài đã chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành một đội quân mạnh, cùng với danh tướng Triệu Túc, Tinh Thiều hợp binh đánh chiếm thành Long Biên - thủ phủ của chính quyền đô hộ.
Khi Lý Bí chiêu mộ hiền tài, có ba nhân vật: Tinh Thiều, Triệu Túc và Phạm Tu sau này là rường cột của nhà nước Vạn Xuân. Ba ông chính là bộ tham mưu tối cao của Lý Bí. Tinh Thiều là một danh nho đa mưu túc trí, từng sang tận kinh đô nhà Lương ứng thí rất nổi tiếng bấy giờ. Triệu Túc là tù trưởng vùng đất Chu Diên rộng lớn, nổi tiếng văn võ song toàn có người con trai cả là vị tướng trẻ Triệu Quang Phục với lối cầm binh xuất quỷ nhập thần đã sớm làm nanh vuốt cho Lý Bí. Bộ ba Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu cùng hàng vạn nghĩa binh chiến đấu dưới cờ chính nghĩa chính là nhân tố căn cốt để đại quân Lý Bí phá tan thành Long Biên, đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư phải chạy về phương Bắc. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, thứ sử Tiêu Tư sau vài trận giao phong với nghĩa quân, thấy không thể chống nổi, phải bí mật sai người đem của cải đến đút lót cho Lý Bí mới được tha chạy thoát về phương Bắc. Điều này là một ô nhục không thể gột rửa của thứ sử Tiêu Tư cũng như triều đình nhà Lương. Chính bởi vậy, Lương Vũ Đế nổi giận quyết đem binh rửa nhục, sai các tướng là Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng dẫn đại binh xuống hỏi tội Lý Bí.
Biết trước cục diện ấy, thực hiện chiến lược của bộ tham mưu dày dạn kinh nghiệm, quân của Lý Bí đã chủ động tiến đánh sang tận sào huyệt Hợp Phố của nhà Lương (nay là thành phố Bắc Hải và bán đảo Lôi Châu thuộc Quảng Đông - Trung Quốc), phá tan quân chúng, đánh phủ đầu ý chí xâm lược của chúng. Chính điều này đã khiến binh tướng nhà Lương phải lúng túng mấy năm liền.
Lợi dụng binh tướng của Lý Bí đại chiến với nhà Lương ở phía Bắc, vua Lâm Ấp ở phía Nam đột ngột dẫn đại quân tràn sang cướp bóc các vùng đất biên trấn Ái châu, Hoan châu. Lý Bí đã cử Phạm Tu đem quân vào đánh dẹp. Mùa hè năm 543, Phạm Tu đã chỉ huy đánh tan địch ngay ở Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay). Chiến thắng trở về, ngài càng được khẳng định là vị tướng tài giỏi nhất trong nghĩa quân và cũng là người cao tuổi nhất. Về việc lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp suýt bắt được vua giặc, sau này, các sử gia đều thống nhất: đây là võ công lớn nhất của ông. Dân các vùng Ái châu, Hoan châu đến tận bây giờ vẫn luôn nhớ đến công tích của vị lão tướng gần bảy mươi tuổi.
Năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Đế), thành lập nhà nước Vạn Xuân, lão tướng Phạm Tu được Lý Nam Đế giao trọng trách làm Tả tướng, đứng đầu Ban Võ, được cắt cử trông coi mạn Nam nước Vạn Xuân. Danh nho Tinh Thiều được phân phong đứng đầu Ban Văn; lão tướng Triệu Túc làm Thái phó. Chính ba vị vừa là khai quốc công thần vừa là rường cột quốc gia.
Không chịu được nhục hai lần thua trận, nhất là trận đột kích thẳng vào quân doanh ở Hợp Phố, một cái tát nảy lửa vào thẳng bộ mặt triều đình Lương Vũ Đế vốn binh tướng như mây, nhà Lương quyết tâm rửa nhục thua trận. Lương Vũ Đế tức giận huy động tổng lực binh tướng của 5 châu là: Việt châu, La châu, An châu, Ái châu, Định châu dưới sự chỉ huy của viên tướng cáo già Trần Bá Tiên sang đàn áp Giao châu, quyết tâm ăn tươi nuốt sống, tuyệt diệt binh tướng của Lý Bí. Chỉ riêng chuyện tự phong là Lý Nam Đế, dám đứng ngang hàng với các hoàng đế phương Bắc đã là một điều sỉ nhục lớn với Lương triều.
Trước binh lực giặc Lương quá mạnh, lão tướng Phạm Tu cùng Thái phó Triệu Túc với các tướng trẻ Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa lập tức huy động tinh binh đánh chặn giặc. Quân ta lập các phòng tuyến nơi hiểm yếu, nhất là ở các vùng cửa sông, cửa biển. Ròng rã nửa năm trời, quân ta chống trả quyết liệt đạo quân hùm sói của Trần Bá Tiên, nhiều lần tử chiến với chúng. Trần Bá Tiên khôn ngoan dùng cả hai đường thủy bộ đánh kẹp quân của Lý triều. Phạm Tu chỉ huy binh tướng rút dần vào thành, trấn giữ cửa sông Tô Lịch. Sau nhiều cuộc giao tranh, do lực lượng quá chênh lệch này, ngày 20-7 năm Ất Sửu (545), lão tướng Phạm Tu, Thái phó Triệu Túc đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình bên cửa sông Tô Lịch khi chặn quân địch cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục bảo toàn lực lượng, tạm rút lên trung du để rồi vòng về vùng đầm lầy Dạ Trạch xây dựng căn cứ địa chiến đấu lâu dài.
Sau này, khi chống chọi sự vây ráp rất ngặt nghèo của Trần Bá Tiên, Lý Nam Đế phải lui dần về động Khuất Lão sau đó lâm bệnh mà mất, để lại sự tiếc thương vô hạn của nhân dân vừa mới giành độc lập dân tộc. Trần Bá Tiên, viên chủ tướng nham hiểm quyền biến tiếp đó làm phản nhà Lương, lập ra nhà Trần, là một gian hùng trong lịch sử Trung Quốc.
Khi biết lão tướng Phạm Tu hi sinh, nhà vua vô cùng thương tiếc, cho Thái giám về tận quê hương truy phong tước Long Biên Hầu; ban tên thụy là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ Ngài làm “bản cảnh thành hoàng”, lưu truyền mãi mãi.
Các đời sau: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn đều có sắc phong lão tướng Phạm Tu là Thượng Đẳng Thần: Đô Hồ Đại vương. Hiện nay, ở đình làng Thanh Liệt còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng nhà Lê, qua Cảnh Thịnh Tây Sơn đến Khải Định nhà Nguyễn.
Danh tướng Phạm Tu, người con ưu tú của vùng đất Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội đã cống hiến trọn cuộc đời mình đã đi vào sử sách là một vị tướng cương trực, dũng cảm, hi sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc ngay từ thế kỷ thứ VI để hậu nhân học tập, noi theo.
Theo báo Đại đoàn kết