Anh Phan Văn Miền (xóm 4, Đông Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) sở hữu trang trại hơn 3 ha nuôi 700 con lợn, hàng trăm con bò, dê, ngoài ra anh còn nuôi cá, gia cầm và trồng rau, hoa quả. Trước đây, các thương lái tranh nhau đến tận trang trại để thu mua sản phẩm. Nhưng hơn 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ chững lại, giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, đặc biệt là thịt lợn và cá.
Anh Miền chia sẻ: Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, mức độ tiêu thụ giảm cùng với giá bán chạm đáy, dưới giá thành. Trước nguy cơ thua lỗ, buộc gia đình phải tìm cách tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm của mình, giảm các khâu trung gian, tránh bị thương lái ép giá.
Sẵn mặt bằng cửa hàng, mỗi dịp cuối tuần gia đình lại tự giết mổ lợn, dê, bò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong vùng. Vì là sản phẩm được chăn nuôi theo hướng hữu cơ, lại được tiêu thụ trong ngày đảm bảo tươi ngon nên nhanh chóng hút khách. Đặc biệt, đối với cá, chúng tôi chế biến thành chả cá vừa ngon, lạ miệng, tiện dụng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và dễ dàng vận chuyển. Mỗi ngày, gia đình tiêu thụ được 20-30 kg chả cá tương ứng với 1 tạ cá tươi.
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: Cách làm của anh Miền rất sáng tạo, phần nào giảm bớt khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Hiện nay, chúng tôi đang tạo điều kiện để anh Miền mở một cửa hàng nông sản sạch.
Cửa hàng này cùng với hệ thống hơn 20 cửa hàng nông sản sạch khác (do các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hỗ trợ thành lập) và hơn 30 HTX, 136 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn tạo ra nguồn hàng đảm bảo về chất lượng, phong phú về chủng loại sẽ là điểm đến tin cậy cho người tiêu dùng. Ðây là mô hình xúc tiến thương mại đối với nông sản rất phù hợp và hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Không có điều kiện để mở cửa hàng như anh Miền, nhiều nông dân lại sử dụng hình thức bán hàng trực tuyến. Đây là một kênh tiêu thụ hiệu quả, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng, bỏ qua các khâu trung gian.
Chị Phạm Thị Tuyến, nông dân thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp chia sẻ: Gia đình có 3 ha đất đồi trồng dứa, ổi, nhãn kết hợp với nuôi gà. Trước đây, tôi thường xuất thẳng cho thương lái nhưng từ ngày dịch bệnh COVID-19, nông sản bị ép giá mạnh. Thương bố mẹ làm ruộng vất vả, mà phải bán nông sản với giá thấp, không có công, trong khi đó, theo dõi ngoài chợ thấy người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, con gái tôi đã chụp ảnh, livestream giới thiệu các sản phẩm nông sản của gia đình trên trang Facebook của cháu.
Ban đầu là anh em, bạn bè quen biết mua ủng hộ, sau thấy chất lượng tốt, tươi ngon, giá cả hợp lý nên lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều. Tuy có vất vả hơn trước vì thu hoạch lẻ tẻ, lại mất công đi giao hàng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh thì đây là cách làm tốt nhất để những nông dân chúng tôi yên tâm duy trì sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì, ổn định sản xuất, không bị ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên về đầu ra cho nông sản, thực phẩm thì bị ảnh hưởng do các thành phố lớn, lượng tiêu thụ nhiều đang bị hạn chế tập trung (không được tổ chức sự kiện, ăn uống đông người,… ) nên đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rau, thủy sản tươi sống, cơ bản tiêu thụ dạng thô, chưa qua chế biến dẫn đến khó bảo quản, khó vận chuyển. Trong khi đó, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến giá vận chuyển tăng, kéo dài thời gian vận chuyển đến nơi tiêu thụ, làm sản phẩm bị biến chất, bị hỏng ảnh hưởng tới giá trị.
Cùng với sự năng động của người nông dân, các địa phương, các tổ chức cũng cần quy hoạch các vùng trồng rau, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến, để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.
Ngành Công thương cần tích cực đẩy mạnh triển khai tập huấn, hướng dẫn các địa phương để giúp các hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, tổ chức đoàn thể, chính quyền liên kết với nhau để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, kho lạnh, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp để cùng nhau sản xuất, mua chung, bán chung nhằm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
Theo baoninhbinh.org.vn