Phả hệ đồ
Nuôi vịt trời vừa dễ, vừa không lo đầu ra
Trong bối cảnh người dân ngày càng "sành ăn", đồng thời đề cao cảnh giác với thực phẩm bẩn, anh Phan Văn Miền, xóm 4, Đông Sơn, xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) đã tập trung vốn xây dựng thành công mô hình nuôi vịt trời và một số con nuôi đặc sản khác như gà Đông Tảo, gà rừng… cho thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Chạy men theo tỉnh lộ 480B, chúng tôi tìm đến trang trại nhà anh Phan Văn Miền, đó là một khu đất rộng hơn 3ha, ngay sát cầu Bút hướng ra sông.
Trong trang trại, các đối tượng nuôi được phân khu rất khoa học, quy củ và ngăn nắp: lợn được bố trí nuôi ngay phía ngoài; gà mới úm, gà nhỡ, gà đông tảo, gà chọi, gà rừng… mỗi loại có một kiểu chuồng riêng được xây và quây khu ngay dưới các tán cây.
Tuy nhiên, điều gây chú ý với chúng tôi nhất có lẽ là 2 cái ao rộng nuôi vịt trời với hơn 3 nghìn con vịt bao gồm 1000 con vịt đẻ và 2000 con vịt thịt.
Nhìn chúng thi nhau quẫy, bơi, lặn, "trồng cây chuối"…huyên náo cả một góc trang trại, chúng tôi không khỏi thắc mắc sao loài hoang dã này lại không bay đi mất?
Trò chuyện với chúng tôi về cơ duyên đến với con vịt trời này, anh Miền cho biết: Vào cuối năm 2003, Yên Mạc triển khai thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình anh được địa phương giao 30.000m2 đất bãi ven sông Bút, tại xóm 4.
Đây thuộc vùng đất khó khăn nên vợ chồng anh luôn trăn trở làm thế nào để phát huy hiệu quả. Cơ duyên đến với anh khi năm 2013, anh được Phòng NN&PTNT huyện Yên Mô cho đi tham quan mô hình nuôi vịt trời hoang dã tại tỉnh Bắc Giang.
Nhận thấy giống vịt trời dễ nuôi, giá trị kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình, anh quyết định ra Bắc Giang tìm hiểu và mua vịt giống về nuôi. Lúc đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng làm sao để loài hoang dã này không bay đi mất.
Tuy nhiên sau khi hiểu đặc tính của chúng rồi thì việc chăn nuôi khá đơn giản. Vịt trời có sức đề kháng cao hơn hẳn vịt thường, chúng ăn rất ít, chỉ bằng 1/2 khẩu phần của vịt thường.
Tuy nhiên, chúng lại nghịch nước rất hăng, và bay cũng rất khỏe. Vịt hơn 2 tháng tuổi đã có thể bay nhưng nếu được cho ăn đầy đủ chúng sẽ ít đi, thường chỉ bay chừng nửa cây số lại quay về.
Được biết, để đảm bảo chất lượng vịt, gia đình anh Miền đã áp dụng quy trình nuôi vịt sạch với cách nuôi bán hoang dã. Vịt con khi vừa nở ra cho đến 15 ngày tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh thông thường như dịch tả, cầu trùng, H5N1, viêm gan… Về thức ăn cho vịt, khi vịt mới nở đến lúc 3 tuần tuổi, phải cho ăn cám với đầy đủ dinh dưỡng.
Khi vịt từ 3 tuần tuổi đến lúc xuất chuồng, thức ăn của vịt được bổ sung thêm các loại có nguồn gốc tự nhiên như lúa, ngô, cua ốc, rau bèo... Thời gian trung bình từ khi vịt nở đến lúc xuất chuồng khoảng hơn 2 tháng, trọng lượng bình quân 1,2-1,5 kg/con.
Anh Miền chia sẻ thêm: Để biết con vịt trời đã đạt chất lượng thịt tốt nhất chưa thì chỉ cần rút lông ở đầu cánh, nếu thấy chân lông khô thì vịt đã ăn ngon, nếu chân lông còn ướt, màu hơi hồng thì thịt chưa ngon và khó làm lông.
Thịt vịt trời có hàm lượng dinh dưỡng cao; thịt chắc, đỏ, ngọt và mềm hơn các loại vịt thông thường, không có mùi hôi.
Đặc biệt, nguồn vịt trời thương phẩm trên thị trường hiện nay khá khan hiếm, nên giá bán cao hơn vịt thông thường rất nhiều. 5 năm qua kể từ khi gia đình anh Miền chăn nuôi vịt trời, chưa khi nào phải lo đầu ra.
Giá bình quân 1 con vịt thương phẩm hơn 1 kg trên thị trường hiện là 100.000 đồng/con. Trừ chi phí, mỗi con vịt thương phẩm gia đình anh lãi 50.000 đồng.
Ngoài ra, mỗi tháng gia đình anh xuất bán khoảng 500 con vịt giống. Tính ra một năm gia đình cũng thu hơn 300 triệu từ việc nuôi vịt.
Theo anh Miền nhận định, thị trường vịt trời còn rất rộng lớn. Ngoài cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các hộ tiêu dùng mua lẻ, hiện nay mỗi tháng khách ở trong miền Nam đặt anh từ 15-20 nghìn con vịt thương phẩm nhưng nhiều lúc anh không gom đủ hàng để xuất. Do vậy, thời gian tới gia đình anh tiếp tục nhân giống vịt trời, cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho họ.
Theo http://yenmac.yenmo.ninhbinh.gov.vn