YÊN MÔ THƯỢNG, YÊN MẠC, YÊN MÔ, NINH BÌNH

img
Phả hệ đồ

Sự học ở dòng họ Phạm Xuân

Về xã Gia Tân (huyện Gia Viễn), hỏi thăm về dòng họ Phạm Xuân rất nhiều người biết. Chẳng phải vì họ Phạm Xuân là dòng họ lớn ở xã, mà vì sự ham học của bao thế hệ trong dòng họ. Những nỗ lực ấy không chỉ làm rạng danh dòng họ Phạm Xuân, mà còn góp phần làm nên sức mạnh của phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Sự học ở dòng họ Phạm Xuân

Những người đứng đầu dòng họ Phạm Xuân chuẩn bị cho lễ phát thưởng học sinh hiếu học.

Những ngày đầu xuân mới, câu chuyện được những người đứng đầu dòng họ Phạm Xuân quan tâm nhất là việc chuẩn bị lễ trao thưởng cho những học sinh hiếu học của con em trong dòng họ. Không đặt nặng về phần quà nhiều hay ít, điều mà cả dòng họ mong muốn là buổi lễ biểu dương được diễn ra trong không khí trang trọng, linh thiêng để khuyến khích con em trong dòng họ tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, lập nên những thành tích mới cho dòng họ trong phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương.

Ông Phạm Xuân Đắc, Trưởng dòng họ Phạm Xuân là một họa sĩ. Cả 2 người con trai ông Đắc cũng nối nghiệp cầm cọ của cha. Ông Đắc bảo, truyền thống hiếu học ở dòng họ Phạm Xuân có từ rất lâu rồi. Chuyện kể rằng, cụ khởi tổ của dòng họ là cụ Phạm Xuân Cường vốn làm quan trong triều đình. Cụ có người con trai là Phạm Xuân Hằng học rất giỏi. Tuy vậy, ông Hằng không tham gia thi cử để ra làm quan mà say sưa với việc đi dạy chữ ở những vùng sâu, vùng xa. Sau này, ông Hằng được phong làm Tri sư giáo, nghĩa là thầy giáo của một phủ. Con cháu cụ Hằng sau này cũng học hành rất giỏi giang, nhiều người thi đỗ ở các hội thi Hương, thi Đình và làm nghề "gõ đầu trẻ", dạy chữ cho nhân dân trong dòng họ, trong cả vùng.

Có một câu chuyện xúc động, được dòng họ Phạm Xuân truyền tụng qua các thế hệ và trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học - đó là câu chuyện về cụ Phạm Xuân Thuyên. Thời ấy, cụ Thuyên nổi tiếng trong vùng về sự thông minh và hiếu học. Nhà nghèo, cụ không có tiền đi học, chủ yếu là cụ tự học. Công việc hàng ngày của cụ là chăn ngựa. Một lần, trong một cuộc thi Đình, khi quan chủ khảo đọc đề cho sĩ tử nghe thì cụ Thuyên khi ấy đang chăm sóc ngựa ở ngoài cũng lấy những ngọn cỏ non để xếp thành chữ, viết lại đề bài rồi tìm lời giải. Quan chủ khảo thấy thế bèn cho gọi cụ vào, ban sách, bút để cụ tham gia thi. Trong cuộc thi ấy, cụ đã đỗ cao và được giữ chức quan án trong triều. Không phụ tấm lòng của vị quan chủ khảo quý trọng hiền tài, cụ Thuyên trở thành một vị quan thanh liêm, được người người kính trọng.

Cụ Phạm Xuân Ngợi, một bậc cao niên của dòng họ Phạm Xuân nói rằng, những câu chuyện xúc động về tinh thần hiếu học của các bậc tiền nhân chính là những bài học vô cùng quý giá để các thế hệ trong dòng họ Phạm Xuân thấy được trách nhiệm gìn giữ và noi theo.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Phạm Xuân Long ở thôn Thiện Hối. Đón tiếp chúng tôi, vợ chồng anh Long không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc. Anh Long tâm sự, vợ tôi là giáo viên mầm non, còn tôi là lao động tự do. Cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, song việc học của các con luôn dược chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi luôn ở bên các con, động viên các con nỗ lực phấn đấu hết mình. Tôi giúp các con hiểu rằng, chỉ có học tập mới cho các con tri thức, nghị lực để bước vào đời. Không phụ lòng cha mẹ, các con anh đều chăm chỉ học hành thi đỗ vào các trường đại học. Con trai cả tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông và đã đi làm, cậu con trai thứ hai đang học Trường Đại học Công nghiệp.

Ông Phạm Xuân Đắc, trưởng dòng họ Phạm Xuân cho biết thêm, cuộc sống của bà con trong dòng họ tuy còn khó khăn, song chuyện học và khuyến khích con em học hành thành đạt luôn được dòng họ đưa vào làm chủ đề quan trọng của các cuộc họp họ. Để thu hút sự tham gia tích cực của mỗi gia đình, các cán bộ trong Ban khuyến học đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động thông qua việc giới thiệu những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất. Nhờ đó, 100% gia đình dòng họ Phạm Xuân đều thể hiện quyết tâm chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, vận động học sinh không bỏ học, không mắc vào các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, Ban khuyến học còn tiến hành điều tra cơ bản về trình độ, nhu cầu học tập của các học sinh, nắm bắt tình hình học tập và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch học tập cụ thể phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Ban khuyến học cũng tham gia với các gia đình để con em được học tập trong môi trường tốt như: Bật nhỏ ti vi, radio; trang bị bàn ghế, có đủ ánh sáng, đủ sách giáo khoa…

Đặc biệt, để có nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động, công tác xây dựng quỹ cũng được Hội khuyến học xã đặc biệt quan tâm. Mặc dù đời sống còn khó khăn, mức đóng góp chưa nhiều, song bà con ai cũng hào hứng tham gia xây dựng quỹ. Mỗi năm, quỹ vận động được hơn 5 triệu đồng. Hàng năm, Ban khuyến học đều trích một phần kinh phí để mua quà tặng động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt vào dịp giỗ tổ và vào dịp Tết Nguyên đán. Những món quà chỉ là cây bút, tập vở, cao hơn là 100 nghìn đồng dành cho danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia nhưng đã tạo nên nguồn động viên to lớn để con em trong dòng họ nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Đến nay, dòng họ có 5 tiến sỹ, 1 giáo sư, 3 thạc sỹ và hàng trăm cử nhân đang công tác, làm việc trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực…

Theo baoninhbinh.org.vn